Các phương pháp thí nghiệm địa chất và ý nghĩa
(tham khảo phụ lục E - TCVN 9363-2012)
E.1
Thí nghiệm xuyên tĩnh có thể được thực hiện để làm rõ tính đồng nhất của địa
tầng, đặc tính biến dạng và sức chịu tải của đất nền, dự tính sức chịu tải của
cọc đơn... Thí nghiệm được thực hiện trong các lớp đất dính và đất rời không
chứa cuội sỏi. Mục đích của thí nghiệm này là cung cấp thêm các thông tin để
thiết kế và thi công các phần ngầm có độ sâu không lớn.
E.2
Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn SPT là thí nghiệm xuyên động được thực hiện trong
hố khoan, được dùng làm cơ sở để phân chia các lớp đất đá, xác định độ chặt của
đất loại cát, trạng thái của đất loại sét, xác định vị trí lớp đất đặt mũi cọc,
tính toán khả năng chịu tải của cọc, cũng như thiết kế móng nông... Thí nghiệm
này còn được dùng để xác định chiều sâu dừng khảo sát, đánh giá khả năng hoá
lỏng của đất loại cát bão hoà nước.
E.3
Thí nghiệm cắt cánh được thực hiện trong các lớp đất có trạng thái từ dẻo mềm
đến chảy, trong hố khoan để xác định sức kháng cắt không thoát nước của đất,
cung cấp thêm các thông tin cho việc thiết kế và thi công các công trình ngầm
có độ sâu không lớn.
E.4
Thí nghiệm nén ngang trong hố khoan được sử dụng cho các lớp đất rời và đất
dính và thực hiện được ở các độ sâu khác nhau để xác định đặc tính biến dạng và
mô đun biến dạng ngang của đất đá.
E.5
Thí nghiệm ép nước trong hố khoan được dùng để xác định tính thấm nước, khả
năng hấp thụ nước của đá gốc nứt nẻ. Bản chất của phương pháp thí nghiệm là
cách ly từng đoạn hố khoan bằng các nút chuyên môn, sau đó ép nước vào các đoạn
đất đá cách ly với các chế độ áp lực định trước.
E.6
Thí nghiệm hút nước từ hố khoan nhằm xác định lưu lượng, hệ số thấm, kể cả của
đất ở thành hố móng, độ dốc thuỷ lực và khả năng có thể sinh ra áp lực thuỷ
động, phục vụ cho công tác thiết kế chống giữ và chống thấm cho thành và đáy hố
móng, công tác thiết kế thi công hạ mực nước ngầm
E.7
Quan trắc nước để xác định chế độ biến đổi mực nước dưới đất trong khu vực khảo
sát. Chế độ nước trong đất được đo bằng hai loại thí nghiệm:
E.7.1
Đo mực nước tĩnh (ống standpipe): chiều sâu đặt ống nhỏ hơn 15 m nhằm cung cấp
các thông tin về chế độ nước mặt. Ống đo nước cho phép thấm vào bên trong trên
toàn bộ chiều dài. Các kết quả đo được sử dụng cho việc thiết kế thi công hố
đào, tường tầng hầm, đề xuất biện pháp làm khô đáy móng cho việc thi công.
E.7.2
Đo áp lực nước theo độ sâu (ống piezometer): độ sâu đặt đầu đo phụ thuộc vào
cấu tạo địa tầng và vị trí tầng chứa nước. Các kết quả đo được sử dụng cho việc
thiết kế thi công cọc nhồi, tường trong đất, các giải pháp thi công theo công
nghệ ướt (chọn công nghệ thi công thích hợp).
E.8
Thí nghiệm xác định điện trở của đất: được thực hiện trong lòng hố khoan theo
độ sâu để cung cấp các thông số thiết kế chống sét và tiếp đất.
E.9
Trong một số trường hợp cần xác định tầng hoặc túi chứa khí trong đất có khả
năng gây nhiễm độc hoặc cháy nổ khi khoan cọc nhồi hoặc đào hố móng sâu.
E.10
Khi khảo sát phục vụ cho thiết kế kỹ thuật và lập bản vẽ thi công móng cọc,
tiến hành công tác thí nghiệm nén tĩnh để xác định sức chịu tải của cọc đơn và
các phương pháp khác để kiểm tra chất lượng cây cọc. Khối lượng và các yêu cầu
kỹ thuật phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.
F.1
Phương pháp thí nghiệm trong phòng cần phải được lựa chọn thực hiện nhằm cung
cấp đầy đủ các thông tin cần thiết phù hợp với các mô hình tính toán, thiết kế
đã được đặt ra trong nhiệm vụ khảo sát địa kỹ thuật.
F.2
Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu vật lý để nhận dạng và phân loại đất.
F.3
Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu biến dạng (thông qua thí nghiệm nén không nở
hông), các chỉ tiêu cường độ (thông qua các thí nghiệm nén ba trục, thí nghiệm
nén một trục nở hông hoặc thí nghiệm cắt trực tiếp). Các phương pháp và sơ đồ
thí nghiệm nén và cắt cần được lựa chọn tuỳ thuộc vào điều kiện làm việc thực
tế của công trình, mô hình tính toán thiết kế phần ngầm công trình.
F.4
Thí nghiệm xác định các chỉ tiêu cường độ của đất nền cần phù hợp với các quy
định sau:
F.4.1
Việc lựa chọn phương pháp và sơ đồ thí nghiệm cắt cần dựa theo phương pháp tính
toán, tốc độ thi công và điều kiện thoát nước của đất nền để xác định và phù
hợp với tình trạng chịu lực thực tế của công trình. Đối với công trình tốc độ
thi công tương đối nhanh, đất thoát nước kém có thể dùng thí nghiệm cắt nhanh
không cố kết, không thoát nước. Đối với công trình tốc độ thi công chậm, đất
thoát nước tốt có thể dùng thí nghiệm cắt cố kết không thoát nước nhưng nên
tính đến mức độ cố kết của đất nền do tải trọng công trình và tải trọng cố kết
trước tác dụng.
F.4.2
Để tính toán độ ổn định của mái dốc và thiết kế tường chắn, neo trong đất...
nên sử dụng thí nghiệm nén ba trục không thoát nước, không cố kết hoặc thí
nghiệm nén nở hông, thí nghiệm cắt phẳng nhanh không thoát nước.
F.4.3
Khi cần dùng chỉ tiêu cường độ để tính sức chịu tải của cọc, thí nghiệm trong
phòng phải phù hợp với các quy định sau:
F.4.3.1
Khi cần tính ma sát cực hạn dọc thân cọc, có thể sử dụng giá trị Cu,
ju
của thí nghiệm không cố kết, không thoát nước trong thí nghiệm nén ba trục.
F.4.3.2
Khi cần tính sức chống cực hạn dưới mũi cọc, đối với đất sét có thể sử dụng giá
trị Ccu, jcu
của thí nghiệm cố kết không thoát nước hoặc giá trị C’, j’
của thí nghiệm cố kết thoát nước trong thí nghiệm nén ba trục.
F.5
Thí nghiệm nén cố kết được sử dụng để xác định tính biến dạng của đất nền, mức
độ cố kết, nhằm đánh giá khả năng xuất hiện lực ma sát âm. Đối với công tác hố
đào, để quan trắc biến dạng đàn hồi, nên tiến hành thí nghiệm nén, dỡ tải theo
từng cấp theo điều kiện làm việc thực tế công trình.
F.6
Đối với mẫu đá nên xác định cường độ kháng nén một trục của đá ở trạng thái khô
và trạng thái bão hoà. Trong một số trường hợp cần thiết có thể xác định thêm
thành phần thạch học, thành vật khoáng hoá của đá.
F.7
Mẫu nước cần phải được thí nghiệm để đánh giá tính chất và mức độ ăn mòn của
nước đối với kết cấu bê tông móng.
Download TCVN 9363-2012
Các phương pháp thí nghiệm địa chất và ý nghĩa
Reviewed by Unknown
on
tháng 11 08, 2018
Rating:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét